5 bí kíp học nghe tiếng Anh
Nghe tiếng Anh mỗi ngày
Chọn nội dung nghe phù hợp với trình độ. Nghe sâu trước – rộng sau
Nghe, đọc và lặp lại
Nghe, viết
Nghe, đoán
Chắc hẳn nhiều bạn sinh viên đã tự hỏi “Tại sao kỹ năng nghe tiếng Anh của mình vẫn dậm chân tại chỗ sau mười năm học (từ lớp 3 đến hết lớp 12)?” “Tại sao đọc thì hiểu mà nghe lại chẳng hiểu gì?” Đó là do bạn học chưa đúng cách. Vậy làm thế nào để học nghe tiếng Anh đúng cách và cải thiện kỹ năng nghe tiếng Anh của mình hiệu quả nhất?
Bài viết này chia sẻ 5 bí kíp luyện nghe tiếng Anh để giải quyết vấn đề của bạn. Bạn hãy thực hành những bí kíp này với sự quyết tâm và một tâm lý tự tin mình sẽ làm được thì chắc chắn bạn sẽ thành công.
1. Nghe tiếng Anh mỗi ngày.
Học tiếng Anh là một cuộc chạy marathon, bạn cần nghe hàng ngày, thường xuyên, liên tục, và cần kiên trì trong một thời gian. Mỗi ngày bạn nên nghe ít nhất 30 phút. Đó là cách để bạn đưa mình vào môi trường tiếng Anh ngay khi bạn đang sống ở Việt Nam. Cố gắng biến việc nghe tiếng Anh của mình thành thói quen hàng ngày không thể thiếu.
Để hình thành được thói quen này bạn nên đặt một khoảng thời gian nhất định cho việc nghe tiếng Anh vào giờ nào phù hợp nhất với thời gian biểu của mình (chẳng hạn trước bữa tối từ 18:00 đến 18:30 mỗi ngày). Ngoài ra bạn cũng nên tải các video và file mp3 vào laptop và điện thoại, hoặc đặt trang nhà của trình duyệt là những trang bạn có thể nghe tiếng Anh ngay lập tức để nghe được ở mọi lúc mọi nơi.
2. Chọn nội dung nghe phù hợp với trình độ. Nghe sâu trước – rộng sau.
Chưa bao giờ tài liệu nghe tiếng Anh lại phong phú và điều kiện học tiếng Anh lại tốt như hiện nay. Thế hệ chúng tôi học tiếng Anh khi chưa có truyền hình cáp và Internet, hoàn toàn phải dựa vào băng cát xét, băng video và một số kênh truyền hình vệ tinh xem trong thư viện trường. Nhưng rồi học mãi chúng tôi cũng thông thạo được tiếng Anh.
Tuy nhiên, sẽ là uổng phí khi bạn không biết khai thác nguồn tài liệu khổng lồ này. Nếu bạn đang ở trình độ beginner mà nghe các bản tin CNN hay BBC thì bạn sẽ không hiểu gì và dễ chán nản. Do đó, để việc luyện nghe đạt hiệu quả cao nhất cần lựa chọn bài nghe hợp với trình độ của mình và tăng dần độ khó theo thời gian. Khi bạn đọc transcript của bài nghe mà hiểu được 80% - 90% là phù hợp trình độ.
Theo kinh nghiệm bản thân thì ban đầu tôi nghe sâu trước, nghĩa là tôi chọn nhiều video về cùng một chủ đề để nghe. Hồi đó tôi hâm mộ Michael Jackson lắm. Tôi mê giọng hát của anh và rồi tôi thích tìm hiểu mọi thứ về anh từ gia đình, sự nghiệp hay scandal. Cứ thấy băng video, cát-xét hay chương trình nào về Michael là tôi nghe hết và còn nghe đi nghe lại. Tôi nhận ra có những từ tôi gặp rất nhiều lần nên tôi ghi nhớ chúng và càng ngày tôi càng hiểu bài nghe tốt hơn, thích học tiếng Anh hơn.
Bạn cũng có thể bắt đầu bằng các video về thần tượng của mình hoặc một lĩnh vực bạn yêu thích như thời trang chẳng hạn để tăng hứng thú trong việc luyện nghe. Lưu ý là ban đầu nên chọn các video dễ và ngắn khoảng 3-5 phút. Sau một thời gian luyện nghe theo chủ đề thì vốn từ và kỹ năng nghe của bạn đã khá hơn, lúc này bạn nên nghe rộng, nghĩa là đa dạng hóa tài liệu nghe của bạn. Ngoài thời trang bạn có thể nghe tin tức, nghe các bài phát biểu truyền cảm hứng, các talk show, nghe về khoa học công nghệ, chăm sóc sức khỏe, về động vật, hoặc xem phim… Mục đích là mở rộng vốn từ và tăng phản xạ nghe của bạn.
3. Nghe, đọc và lặp lại.
Đây là một trong những kĩ thuật cực kì hiệu quả mà chỉ cần sau một tháng luyện tập thường xuyên bạn đã có thể thấy sự khác biệt rất rõ trong kỹ năng nghe-nói tiếng Anh của mình. Kỹ thuật này rất đơn giản, đúng như tên gọi của nó: Nghe, đọc và lặp lại.
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng đây là 1 quá trình hết sức quan trọng, khi vừa nghe vừa đọc lại, não bộ sẽ ghép âm nghe được của từ với các ký tự của từ đó, quá trình này giúp chúng ta ôn lại các từ đã biết, học thêm các từ mới dưới dạng âm thanh, và chuyển dần nhiều từ ở dạng từ vựng thụ động sang dạng từ vựng chủ động (nghĩa là bạn không chỉ nhớ nghĩa của từ mà còn biết cách sử dụng chúng).
Khi đọc lại, hãy bắt chước hoàn toàn giọng đọc của người nói, từ trọng âm, ngữ điệu, đến những chỗ ngừng nghỉ. Khi làm như vậy, bạn đã nghe bài nghe kết hợp nhiều giác quan với nhau, tai nghe, mắt đọc, miệng nói. Các liên kết thần kinh trong học tiếng Anh của bạn sẽ nâng cao lên đáng kể khi thực hiện kỹ thuật này thường xuyên. Vốn từ và khả năng phát âm của bạn cũng nâng cao, đó là các điều kiện cần thiết để có kỹ năng nghe tốt.
Một lựa chọn khác là thay vì nghe - dừng - đọc lặp lại thành tiếng thì bạn có thể vừa cắm tai nghe vừa nói nhại theo cùng lúc. Áp dụng cách này bạn thử thách mình sao chép tất cả âm bạn nghe được và nói ra cùng tốc độ với người bản ngữ (có thể sử dụng transcript nếu cần). Hãy thử nhé cũng hiệu quả lắm đấy.
Dưới đây là một số trang để bạn tham khảo:
Dành cho người mới học:
http://learnenglish.britishcouncil.org/en/elementary-podcasts
https://spotlightenglish.com/listen/
Nâng cao
http://learningenglish.voanews.com/
https://learnenglish.britishcouncil.org/en/magazine
Còn đây là tổng hợp một số kênh youtube rất thú vị nhưng cũng khá khó, các bạn có thể tham khảo.
Rachel’s English https://www.youtube.com/user/rachelsenglish/videos
Jennifer ESL https://www.youtube.com/user/JenniferESL/videos
Doing English with Julian https://www.youtube.com/user/doingenglishDOTcom/videos
EnglishAnyone https://www.youtube.com/user/EnglishAnyone/videos
Ellen show https://www.youtube.com/user/TheEllenShow
Jimmy Fallon https://www.youtube.com/user/latenight
4. Nghe, viết.
Cách học này công phu nhưng hiệu quả, nó phù hợp với những người có tính kiên trì.
Phương pháp này đòi hỏi sự quyết tâm và kiên trì rất lớn, bởi vì với bài nghe 3’ bạn có thể phải nghe đến 10 hay 15 lần mới có thể nghe và chép lại tầm 80% – 90% nội dung.Tuy nhiên sự đền bù là rất xứng đáng, bạn sẽ học thuộc những từ mới rất nhanh, kỹ năng viết, và chính tả cũng cải thiện đáng kể.
Dành cho người mới học:
https://www.englishclub.com/listening/dictations-short.htm
Nâng cao:
http://www.listen-and-write.com/
5. Nghe, đoán.
Nghe sẽ hiệu quả hơn rất nhiều khi bạn ở tâm thế nghe chủ động. Nghĩa là trước khi nghe bạn đọc tiêu đề và đoán nội dung của bài mình sắp nghe, mục đích là để chuẩn bị về tinh thần và từ vựng cần thiết. Chẳng hạn khi bạn nhìn vào tiêu đề này Facebook Feed to Show Less News, More Personal Posts bạn sẽ đoán được nội dung của bài là về sự thay đổi của facebook dựa vào các từ facebook, less news, more personal posts và bạn chuẩn bị tinh thần để nghe về sự thay đổi đó.
Giờ đây bạn đã có bí kíp học nghe tiếng Anh rồi, tất cả những gì bạn cần làm là luyện tập thường xuyên. Chúc các bạn học tiếng Anh vui vẻ và thành công!